Các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch phổ biến

Chúng ta đang sống trong xã hội mà hàng năm số lượng các loại hóa chất mới (an toàn lẫn không an toàn) được phát minh để sử dụng trong việc bảo quản thực phẩm còn nhiều hơn số lượng các nghiên cứu giống thực phẩm mới. Nhu cầu sử dụng, phân biệt và chọn mua thực phẩm sạch đã trở nên lớn hơn bao giờ hết. Và đó chính là lúc các tiêu chuẩn thực phẩm sạch ra đời.

Tiêu chuẩn thực phẩm sạch là gì?

Về bản chất là giấy chứng nhận cấp cho người sản xuất trong việc đảm bảo một số tiêu chí về canh tác và sản xuất sạch, đủ để được phép dán nhãn thực phẩm sạch khi bán trên thị trường. Nó có ý nghĩa hai chiều để bảo vệ cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Một mặt, nhãn “thực phẩm sạch” giúp khách mua hàng phân biệt được thực phẩm sạch với thực phẩm thông thường trên kệ hàng siêu thị, mặt khác nó cũng mang lại lợi thế so sánh cho những người sản xuất chấp nhận thực hiện chuẩn sạch so với các phương pháp sản xuất không được kiểm định khác.

Một số tiêu chuẩn người tiêu dùng cần biết

Tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices): 

Tiêu chuẩn GAP được hiểu là "Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt".
Theo tài liệu của FAO 2003 – GAP là “các quá trình thực hành canh tác chế biến tại trang trại hướng tới sự bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội và kết quả là an toàn và chất lượng của thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp không phải là thực phẩm”.

Mỗi quốc gia thường có một bộ tiêu chuẩn, nguyên lý và quy định thực hiện GAP khác nhau, của Việt Nam gọi là VietGAP còn của khu vực châu Âu được đưa lên thành GlobalGAP. Đây là hai tiêu chuẩn GAP được dùng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Khi tham gia các tiêu chuẩn này, người làm nông nghiệp phải chấp nhận một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt trong quá trình sản xuất của họ, từ lúc chuẩn bị chuồng trại, đất, hạt giống, dụng cụ… cho đến lúc thu hoạch và đóng gói.

Tiêu chuẩn ISO 14001: Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường. 

ISO 14001 được xây dựng nhằm tạo ra một hệ thống quản lý để giúp các tổ chức giảm bớt những tác động tiêu cực của mình tới môi trường. Tiêu chuẩn này cung cấp một khung chuẩn cho các tổ chức nhằm chứng minh những cam kết của mình về các vấn đề môi trường.

Tiêu chuẩn ISO 14001 được áp dụng rộng rãi cho mọi công ty, tổ chức, nhà sản xuất trên toàn thế giới. Đối với thực phẩm thì nó không hẳn là một tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng mà chỉ chứng nhận nơi sản xuất thực phẩm đó thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường mà thôi.

Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ

Tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ liên quan đến việc tư liệu sản xuất và nguyên liệu sản xuất của toàn bộ hệ thống canh tác phải là các sản phẩm hữu cơ Tiêu chuẩn này giúp loại bỏ các loại cây, con giống biến đổi gien và các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn hóa học.

Trên thế giới hiện nay có 3 tiêu chuẩn organic khó nhất là USDA Organic của cục nông nghiệp Mỹ, EU Organic Farming của liên minh châu Âu, và Organic JAS của Nhật Bản. Theo đó các quy định của Mỹ và Châu Âu chỉ chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ với các sản phẩm có thành phần hữu cơ trên 97%.

Hiện nay ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là các tiêu chuẩn VietGAP và GlogalGAP, các tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ vô cùng hiếm và chủ yếu chỉ tìm được ở các sản phẩm nhập khẩu. Tiêu chuẩn ISO 14001 mang mục đích tham khảo nhiều hơn, nhất là cho các loại thực phẩm chế biến vì nó có liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều hơn là ở phương diện trồng trọt, sản xuất.

Comments